Ăn nhiều đường có thể dẫn đến ung thư không?
Đường là một trong những gia vị chính thường được thêm vào hay có sẵn trong thực phẩm giúp tọa vị ngọt và cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, có nhiều tin tức nói rằng ăn nhiều đường dẫn đến ung thư? Liệu quan điểm này có đúng không
Đường gồm có cả đường tự nhiên và đường nhân tạo
Đường thuộc nhóm carbohydrate, đường trong tự nhiên có 8 loại đường đơn trong đó có glucose và fructose và tất cả các hợ chất được tạo ên từ việc gắn kết các đường đơn này với nhau (gọi chung là đường đa). Ví dụ như sucrose (đường mía, được dùng làm đường cát mà chúng ta ăn hằng ngày) được cấu tạo bởi một đường glucose gắn với một fructose, hay tinh bột gồm hàng trăm hay hàng ngàn glucose gắn lại với nhau.
Đường nhân tạo hay đường thay thế được dùng để tạo vị ngọt cho thực phẩm. Loại đường này thường ngọt hơn đường tự nhiên rất nhiều lần nên chỉ cần lượng nhỏ có thể tạo ra vị ngọt của đường tự nhiên.
Đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Các loại đường đa khi hấp thu vào cơ thể sẽ được cắt ra thành các đường đơn có thể chuyển hóa qua lại nhưng dạng được tế bào sử dụng phổ biến nhất là glucose, nên glucose cũng là dạng đường đơn phổ biến nhất trong máu. Đó cũng là lý do glucose được gọi là đường huyết. Cơ thể chuyển hóa hầu hết các carbohydrat bạn ăn (đa phần là tinh bột) thành glucose để sử dụng ngay hoặc trữ thành glycogen trong cơ và gan, hoặc chất béo trong mô mỡ để sử dụng khi cơ thể cần.
Tại sao đường được nhắc tới như nguyên nhân gây ung thư
Điều khiến glucose trở thành vấn đề được quan tâm khi nhắc tới ung thư là vì nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết các dòng tế bào ung thư đều sử dụng glucose nhanh và nhiều hơn các tế bào thường. Từ đó dấy lên suy luận rằng glucose là nguồn gốc của ung thư và nếu cắt bỏ đường ra khỏi khẩu phần ăn thì sẽ khiến tế bào ug thư chết do bị bỏ đói
Một nghiên cứu dịch tễ học công bố năm 2010, kéo dài suốt 7 năm gần 450.000 người tham gia từ 50-71 tuổi về mối liên hệ giữa các loại đường ăn (sucrose, fructose, đường thêm vào món ăn) và nguy cơ của 24 loại ung thư đưa ra phát hiện:
- Tăng đường ăn nói chung vào thực phẩm có liên quan đến nguy cơ ung thư thực quản
- Thêm đường fructose có liên quan đến nguy cơ ung thư ruột
- Không có mối liên hệ rõ ràng giữa đường ăn và nhưng bệnh ung thư thường gặp khác
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa đường là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ một lượng đường lớn có thể gây ra những bệnh lý khác (bệnh gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường, viêm mạn tính…) Vì những bệnh này có thể làm tăng nguy cơ một số loại ung thư, ví dụ thừa cân hay béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng, thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, thận, tuyến tụy, tuyến giáp, bàng quang, và ung thư máu. Do đó khó có thể rút ra được kết luận việc tiêu thụ nhiều đường có thể là tăng nguy cơ mắc ung thư.
Khuyến cáo của WHO về lượng đường nên dùng hàng ngày
Nghiên cứu thực tế cho thấy tế bào ung thư mặc dù phụ thuộc rất nhiều vào glucose để lấy năng lượng, chúng vẫn có thể sử dụng nhiều nguồn năng lượng như tất cả các tế bào thường khác như chất đạm hoặc chất béo. Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCI) khẳng định vẫn chưa có một nghiên cứu đáng tin cậy nào cho ra kết quả đường ăn sẽ khiến ung thư phát triển hay hoàn toàn kiêng đường ăn sẽ khiến khối u giảm kích thước. Chính vì vậy, năm 2015 tổ chức y tế thế giới chỉ đưa ra khuyến cáo người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường ăn (bao gồm đường có sẵn trong thực phẩm và đường thêm vào) xuống dưới 10% tổng calorie tiêu thụ hằng ngày. Mỗi ngày mỗi người tiêu thụ khoảng 25gam đường ăn. WHO cũng có khuyến cáo, sẽ có lợi hơn cho sức khỏe nếu bạn có thể giảm xuống dưới 5% tổng lượng đường tiêu thụ mỗi ngày.
Lưu ý hoàn toàn không có khuyến cáo nào về việc cắt đường hoàn toàn trong khẩu phần ăn của người đang điều trị để chữa ung thư hoặc người bình thường để phòng ung thư
Nguồn: TS Nguyễn Nữ Phương Thảo, Ths. Trịnh Van Ngữ- Ruy Băng Tím