Chẩn đoán và điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản

  21/11/2022

Tổng quan bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)

Theo định nghĩa Montreal Trào ngược dạ dày thực quản hay Gastroesophageal Reflux Disease (GERD) là tình trạng bệnh lý khi các chất trong dạ dày vào thực quản gây ra các triệu chứng khó chịu và có/hoặc gây biến chứng.

Triệu chứng của GERD tùy từng người bệnh biểu hiện ở mức độ khác nhau. Nhưng điển hình là ợ nóng và ợ trớ. Khoảng 90% chẩn đoán GERD trên lâm sàng dựa vào 2 triệu chứng này. Mức độ bệnh nhẹ xảy ra hơn 2 ngày/tuần có thể được coi là “gây khó chịu”.

Ngày nay, bệnh thực quản thông thường gặp ở các nước phương tây và đang dần gia tăng ở các nước châu Á. Tỷ lệ mắc ở Mỹ từ 10-30 % dân số (3). Châu Á tỷ lệ bệnh thấp hơn từ 4-18%.

Tỷ lệ hiện mắc GERD là 18,1% –27,8% ở Bắc Mỹ, 8,8% –25,9% ở châu Âu, 2,5% –7,8% ở Đông Á, 8,7% –33,1% ở Trung Đông, 11,6% ở Úc và 23,0% ở Nam Mỹ. Khu vực Đông Nam Á thấp hơn 10%.(4)

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản?

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản

Bình thường khi nuốt thức ăn, cơ vòng thực quản dưới sẽ mở ra và cho phép đồ uống, thức ăn đi xuống dạ dày. Sau đó đóng lại để ngăn dòng trào ngược, tuy nhiên trong trường hợp cơ này bị yếu hoặc đóng – mở bất thường sẽ dẫn đến trào ngược.

Bao gồm:

Giãn tạm thời, giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới

Nhu động thực quản quá yếu không đủ sức để đẩy trở lại dạ dày các chất trào ngược lên thực quản

Do phẫu thuật thực quản

Các chất dịch trong dạ dày như axit HCl, pepsin, dịch mật...trào vào thực quản, có thể từng lúc hay thường xuyên dẫn đến tổn thương niêm mạc thực quản, gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng.

Nguyên nhân khác gây trào ngược gồm:

Tại dạ dày: Do tình trạng tăng tiết axit, ứ đọng thức ăn, chậm làm rỗng, tăng áp lực trong dạ dày hoặc ổ bụng

Thoát vị hoành

Nhiễm vi khuẩn H. pylori

Túi acid

Do dùng thuốc như aspirin, thuốc NSAID và thuốc khác

Do ăn uống nhiều rượu bia, nước có gas, hút thuốc lá.

Do bị stress

Yếu tố gene gia đình; mang thai

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng tại thực quản

Hai triệu chứng điển hình nhất của GERD là ợ nóng và ợ trớ.

a. Ợ nóng

Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở vùng ngực, thường về đêm nhiều hơn ban ngày. Ợ

nóng xuất phát từ sau xương ức lan lên cổ và họng. Tăng lên khi ăn hoặc nằm ngay

sau ăn, khi cúi gập người, ép bụng, nằm ngửa, thay đổi tư thế và giảm đi khi uống

nước ấm và sữa.

b. Ợ trớ

Ợ trớ là cảm giác có 1 dòng chảy của các chất (thức ăn, dịch, acid...) bị trào ngược

vào trong thực quản, miệng, hạ hầu.

c. Đau tức ngực

Người bệnh có cảm giác đau, co thắt vùng ngực. Lồng ngực như bị đè ép xuống, bó

chặt lại, khó thở. Đôi khi có cảm giác đâm xuyên ra phía sau lưng, lên cánh tay nên

rất dễ nhầm với triệu chứng của bệnh tim mạch.

d. Khó nuốt

Khó nuốt là một sự suy giảm về việc chuyển thức ăn từ miệng vào dạ dày, nhưng

không phổ biến ở GERD

e. Rối loạn giấc ngủ

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và rối loạn giấc ngủ là những vấn đề sức

khỏe đang được quan tâm. Rối loạn giấc ngủ có thể gây rối loạn đường tiêu hóa,

trong khi các triệu chứng của đường tiêu hóa cũng có thể gây ra hoặc làm trầm

trọng thêm tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Triệu chứng ngoài thực quản

a. Ho mạn tính

Thống kê cho thấy 25% bệnh nhân ho kéo dài có liên quan đến GERD. Có 20%

người Mỹ có GERD và ho kéo dài.

b. Hen phế quản

Nghiên cứu chỉ ra rằng hơn 75% người lớn bị hen suyễn cũng có GERD. Mối liên hệ

chính xác giữa GERD và hen suyễn không hoàn toàn rõ ràng.

c. Viêm họng và thanh quản

Khi axit dạ dày đến cổ họng hoặc thanh quản gây viêm, và khi axit trào ngược nhiều

lần có thể làm người bệnh ho, khàn giọng hoặc đau họng, bệnh nhân thường đến

khám chuyên khoa Tai mũi họng.

d. Triệu chứng đau ngực không do tim

Đây là triệu chứng lâm sàng rất thường gặp và chiếm tỷ lệ cao trong chứng đau ngực không do tim. Những bệnh nhân này có thể đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI).

Các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Thực tế, bệnh hoàn toàn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người bệnh khi không được điều trị đúng cách.

Viêm loét thực quản

Axit trào ngược tổn thương niêm mạc thực quản đặc trưng bởi sự ăn mòn, và loét niêm mạc thực quản. Có thể gây ra rò thực quản và nặng hơn nữa là xuất huyết thực quản.

Chít hẹp thực quản

Thực quản hình thành vết sẹo, theo thời gian mô sẹo co lại và thu hẹp lòng thực quản.Các triệu chứng gồm khó nuốt, nuốt nghẹn, đau họng, đau ngực, đau xương ức khi ăn uống, mất cảm giác thèm ăn.

Barrett thực quản

Là một biến chứng của GERD mãn tính hoặc nghiêm trọng có khả năng tiến triển thành ung thư. Bệnh nhân có thể bị loét thực quản, nghẹt và xuất huyết.

Ung thư thực quản

Là hậu quả của trào ngược dạ dày thực quản mãn tính, không được điều trị. Ở giải đoạn sớm thường không có triệu chứng báo động.

Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Ngoài hỏi và khám thực thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để chẩn

đoán GERD

Chấn đoán lâm sàng

Sử dụng bộ câu hỏi GerdQ

Điều trị thử bằng thuốc ức chế bơm Proton (PPI) trong vòng 7-14 ngày (PPI test)

Chẩn đoán cận lâm sàng

Nội soi thực quản dạ dày tá tràng

Đo pH thực quản 24h

Chụp thực quản dạ dày có cản quang

Test Bernstein

Mô bệnh học

Đo áp lực thực quản

Các biện pháp điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Mục đích điều trị là làm giảm các triệu chứng của người bệnh, làm lành tổn thương tại thực quản, chống tái phát viêm thực quản và các biến chứng của bệnh.

Nguyên tắc cơ bản của điều trị là điều chỉnh lối sống, điều trị bằng thuốc và có thể phẫu thuật chống trào ngược.

Điều trị nội khoa

a. Điều trị không dùng thuốc

Tư vấn bệnh nhân thử thay đổi lối sống, bỏ các thói quen có thể thúc đẩy trào ngược dạ dày thực quản và khuyến khích người bệnh chọn thói quen mới để mang lại lợi ích lâu dài.

Dưới đây là một số cách tích cực để cải thiện bệnh:

Ăn chậm nhai kỹ. Đừng vội nằm ngay sau khi ăn.

Tránh đồ ăn có tính kích thích

Duy trì cân nặng thích hợp

Hãy cố gắng bỏ thuốc lá

Thư giãn, giảm stress

b. Điều trị bằng thuốc

Các thuốc kháng acid và Alginate: có thể giảm đau nhanh, tuy nhiên khi dùng đơn lẻ thì không chữa lành được viêm tại thực quản

Thuốc để giảm sản xuất acid như thuốc đối kháng H2, không nhanh bằng thuốc kháng axit và Alginate nhưng tác động giảm đau lâu hơn.

Các thuốc ức chế bơm Proton (PPI)

Đây là các loại thuốc ngăn chặn sự sản xuất acid mạnh và lâu hơn cả thuốc đối kháng H2, giảm triệu chứng nhanh và chữa lành thực quản. Trong các PPI thì Omeprazole và Rabeprazole là thuốc được lựa chọn hàng đầu do tính hiệu quả, an toàn, đặc biệt là Rabeprazol ít phụ thuộc vào CYP2C19 – một kiểu hình chuyển hóa của thuốc.

Thuốc hỗ trợ kích thích nhu động (Prokinetics)

Việc lựa chọn các thuốc PPI kết hợp prokinetic (thuốc giúp làm rỗng dạ dày nhanh hơn như mosapride...) là một phương pháp có tác dụng tốt, góp phần vào hiệu quả giảm triệu chứng nhanh.

Điều trị triệu chứng GERD ngoài thực quản

Điều trị nội soi can thiệp

Điều trị nội soi can thiệp

Bao gồm khâu (may) khu vực cơ thắt thực quản dưới, về cơ bản là thắt chặt cơ vòng

Điều trị bằng ngoại khoa

Phẫu thuật để củng cố cơ vòng thực quản dưới, phẫu thuật thắt chặt các cơ vòng thực quản dưới để ngăn chặn trào ngược bằng cách mổ nội soi.

Thiết bị thắt bằng từ tính

Là một vòng các hạt từ tính nhỏ được được quấn quanh cơ vòng thực quản, ngăn cản sự trào ngược từ dạ dày. Tác dụng của các hạt nam châm này cung cấp them lực để giữ cơ vòng thực quản đang yếu được đóng lại sau khi đã nuốt thức ăn.

Kết luận:

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý thường gặp, các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Hiện nay, GERD là một chẩn đoán lâm sàng và được điều trị hiệu quả bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) và có thể phối hợp thêm prokinetic, cũng như các biện pháp khác.

Và tốt hơn là khi bất kì triệu chứng nào của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh nên đến gặp Bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và có liệu trình điều trị phù hợp nhất với bản thân.

Tác giả bài viết: 

Ths. Nguyễn Trung Dũng

Tài liệu tham khảo:

(1.). Vakil, N., et al. (2006). The Montreal definition and classification of gastroesophageal reflux disease: a global evidence-based consensus. The American journal of gastroenterology, 101(8), 1900–1943. https://doi.org/10.1111/j.1572-

0241.2006.00630.x

(2.). Hunt, R., Armstrong, D., et al. (2017). World gastroenterology organization global guidelines: GERD global perspective on gastroesophageal reflux disease. Journal of clinical gastroenterology, 51(6), 467-478.

https://doi.org/10.1097/mcg.0000000000000854

(3.). Dirac, M. A., et al. (2020). The global, regional, and national burden of gastro- oesophageal reflux disease in 195 countries and territories, 1990–2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2017. The Lancet Gastroenterology

& Hepatology, 5(6), 561-581. https://doi.org/10.1016/S2468-1253(19)30408-X

(4.). l-Serag, et al. (2014). Update on the epidemiology of gastro-oesophageal reflux

disease: a systematic review. Gut, 63(6), 871-880. http://dx.doi.org/10.1136/gutjnl-2012-

304269

Bình luận

Hà Nội: Số 45C Ngõ 143/34 Nguyễn Chính Quận Hoàng Mai Hà Nội
TP HCM: Số 184 Lê Đại Hành P15 Quận 11
Đặt hàng: 0972945305/ Tư vấn: 0906297798
Hotline: 0869966606